Liên Thành Quyết
Chương 40: Vào vạn gia trùng hội thích phương
Ngôn Đạt Bình nói tiếp:
– Nếu kiếm phổ đã lọt vào tay Vạn Chấn Sơn thì y đã chẳng đi truy người khác mà lập tức đến ẩn tại một nơi hương thôn hẻo lánh hay trong hang núi hoang vu để luyện kiếm. Mỗi lần lão phu ngấm ngầm đến gặp y thì chỉ thấy y nghiến răng nghiến lợi, tỏ ra nóng lòng thống hận về vụ chưa tìm được kiếm quyết, vì thế mà lão phu thay đổi đường lối đi tìm kiếm hành tung Thích Trường Phát.
Địch Vân hỏi:
– Lão gia có tìm được manh mối gì không?
Ngôn Đạt Bình lắc đầu đáp:
– Thích Trường Phát tâm địa rất thâm hiểm, tuyệt không lộ hình tích, lão phu từng coi lén y dạy đồ đệ và con gái luyện kiếm, y giả vờ ngớ ngẩn, đem những chiêu kiếm bằng đường thi đổi đi nghe chẳng thông chút nào, thực khiến cho người ta phải cười đến trẹo quai hàm. Nhưng y càng giả bộ bao nhiêu lão phu càng nhận ra y giả dối, lão phu theo dõi ba năm liền mà thủy chung y không sơ hở chút nào, những lúc y ra ngoài, lão phu đã mấy lần mò vào trong nhà xục tìm rất kỹ mà chẳng thấy Liên Thành Kiếm Phổ đâu, ngay một cuốn sách tầm thường mà cũng không có, chà! Vị sư đệ này thật là tâm kế sâu xa.
Địch Vân hỏi:
– Rồi sau sao nữa?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Sau Vạn Chấn Sơn đột nhiên mở tiệc thọ phái đệ tử đi mời Thích Trường Phát đến Kinh Châu, dĩ nhiên tiệc thọ là chuyện giả trá, thám thính hư thực của sự đệ mới là chuyện thật. Thích Trường Phát đưa con gái đi, lại còn một tên đồ đệ ngớ ngẩn tên gọi Địch Vân gì đó cũng đi theo. Đang dự tiệc Địch Vân cùng tám tên đệ tử ở Vạn gia xảy cuộc ẩu đả, Địch Vân tiết lộ ba chiêu kiếm tinh diệu khiến cho Vạn Chấn Sơn sinh lòng ngờ vực... Ân công! Ân công có biết tại sao không?
Địch Vân lắc đầu.
Ngôn Đạt Bình lại nói:
– Vạn Chấn Sơn mời Thích sư đệ vào thư phòng đàm luận, y buộc cho Thích sư đệ đã lấy được kiếm phổ Vương Kiếm và truyền dạy cho Địch Vân, hai người khích bác nhau, trở mặt thành thù Thích Trường Phát phóng kiếm đâm thương Vạn Chấn Sơn rồi chạy trốn. Lạ quá! Thật là quái lạ!
Địch Vân hỏi:
– Điều gì quái lạ?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Từ ngày ấy Thích Trường Phát mất biến không còn thấy đâu nữa, chẳng hiểu y ẩn mình xứ nào? Khi Thích Trường Phát đến Kinh Châu quyết không đem theo cuốn kiếm phổ đã lấy cắp, nhất định y chôn dấu ở một nơi bí ẩn nào đó, lão phu tưởng y đả thương Vạn Chấn Sơn còn trở về vùng này ngay đêm để lấy kiếm phổ rồi mới xa chạy cao bay, nên lúc vừa xảy ra biến cố, lão phu lập tức cỡi khoái mã đến chờ trước để dò xem y để kiếm phổ nơi đâu và sẽ tùy cơ hạ thủ. Nhưng lão phu chờ hoài thủy chung vẫn không thấy y xuất hiện, mấy năm trôi qua rồi, xem chừng vĩnh viễn y không trở lại, lão phu chẳng nể nang gì nữa ở đây phá quấy đến trời long đất lở mong đào tìm kiếm phổ, nhưng chỉ tốn công vô ích, chẳng thu lượm được kết quả nào. Nếu không có ân công ra tay cứu viện thì Ngôn mỗ đã bỏ mạng rồi. Chà chà! Vạn sư ca của Ngôn mỗ cũng là tay đáo để.
Địch Vân hỏi:
– Theo sự phỏng đoán của lão gia thì lệnh Thích sư đệ hiện giờ ở đâu?
Ngôn Đạt Bình lắc đầu đáp:
– Cái đó Ngôn mỗ không đoán ra được, có điều lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt, không chừng y mắc bẫy ở chỗ nào rồi, có khi y gặp việc gì ra ngoài sự tiên liệu, tỷ như bị sài lang hổ báo ăn thịt.
Địch Vân thấy lão nguyền rủa sư phụ gặp tai họa, lại lộ vẻ hân hoan, trong lòng thật chán ghét, nhưng chàng lại nghĩ thầm:
– Sư phụ chẳng có tin tức gì, không chừng đã gặp điều bất hạnh thực sự.
Chàng liền đứng dậy nói:
– Đa tạ lão gia đã cho tại hạ biết hết chẳng dấu diếm gì, bây giờ tại hạ xin cáo từ.
Ngôn Đạt Bình kính cẩn xá ba xá nói:
– Đại đức của ân công, Ngôn Đạt Bình này vĩnh viễn không bao giờ dám quên.
Địch Vân đáp:
– Chút việc nhỏ mọn này có gì đáng kể? Lão gia bất tất phải bận tâm, ngày trước lão gia đã đến đây dưỡng thương mà Vạn Chấn Sơn kiếm không ra thì nay lão gia cũng cứ vững dạ.
Ngôn Đạt Bình cười nói:
– Hiện giờ chắc y đang nóng ruột như kiến bò trên nồi rang không tưởng đến chuyện kiếm lão phu nữa.
Địch Vân lấy làm kỳ hỏi:
– Tại sao vậy?
Ngôn Đạt Bình mỉm cười đáp:
– Con rết độc của Ngôn mỗ cắn tay con y bị thương phải liên tục rịt thuốc mười lần mới hết được độc tính, nay mới rịt một lần đã ăn thua gì?
Địch Vân kinh hãi hỏi:
– Vậy tính mạng Vạn Khuê không bảo toàn được ư?
Ngôn Đạt Bình đắc ý đáp:
– Thứ rết sặc sỡ này không phải tầm thường, nó là một loài rết khác lạ từ đất Hồi Cương bên Tây Vực đưa tới, hay ở chỗ Vạn Khuê không chết ngay, gã còn rên rỉ kêu la đủ một tháng mới hết đời. Ha ha! Thế mới tuyệt diệu!
Địch Vân nói:
– Nếu sau một tháng mới chết thì chẳng cần vội vã gì, gã đi kiếm lương y rồi cũng tìm ra được cách giải độc.
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Ân công có điều chưa rõ là giống rết độc này do tiểu lão chăn nuôi, từ lúc nó còn nhỏ tiểu lão đã cho chúng ăn những thứ giải dược, nên những thuốc giải tầm thường nó quen cả rồi, không còn hiệu nghiệm nữa, những y sinh y thuật cao đến đâu cũng chỉ dùng thuốc thông thường trị độc ăn thua mẹ gì? Độc môn thuốc giải mà giống rết này chưa ăn ở trên đời này, ngoài tiểu lão, không còn người thứ hai nào biết đường phối chế. Ha ha!
Địch Vân liếc mắt nhìn lão nghĩ bụng:
– Lòng dạ Ngôn sư bá ác độc như vậy thật là đáng sợ, lần sau có khi lão cho rắn độc cắn mình cũng chưa biết chừng, Đinh đại ca thường nói mình đã bôn tẩu giang hồ thì không có lòng hại người là phải, nhưng chẳng thể không đề phòng người bất trắc. Chi bằng ta hỏi lão lấy ít thuốc giải để phòng sẵn trong mình cho khỏi lo về sau.
Chàng liền nói:
– Bình thuốc giải của lão gia cho tại hạ quách!
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Dạ!
Nhưng lão chưa lấy ra ngay đưa cho Địch Vân mà còn hỏi lại:
– Không hiểu ân công lấy thuốc này để làm gì?
Địch Vân đáp:
– Rết độc của lão gia cực kỳ lợi hại! Lỡ ra tại hạ bất cẩn để nó cắn trúng, trong mình phải có bình thuốc giải mới yên tâm được.
Ngôn Đạt Bình bẽn lẽn cười nói:
– Ân công đã có ơn cứu mạng tiểu lão, khi nào tiểu lão lại dám gia hại? Ân công thật khéo đa nghi.
Địch Vân xòe tay ra nói:
– Không dùng đến nhưng để trong mình đề phòng sẵn cũng không hề gì.
Ngôn Đạt Bình lại "Dạ" mấy tiếng rồi lấy bình thuốc ra đưa cho Địch Vân.
Địch Vân xuống núi trở về tòa nhà rộng lớn quan sát lại thấy hương dân đã giải tán cả rồi, quản gia cùng cai thợ không biết đi đâu. Trong nhà quạnh quẽ không một bóng người.
Địch Vân bụng bảo dạ:
– Sư phụ chết rồi, sư muội đi lấy chồng, từ đây sắp tới không bao giờ ta trở lại chốn này nữa.
Sau chuyến này chàng lủi thủi một mình, không khỏi bâng khuâng trong dạ.
Địch Vân đến ngoài Kinh Châu hỏi dò tin tức, biết là Lăng Thoái Tư vẫn còn làm tri phủ ở đây, chàng liền bôi mặt mũi lem luốc để che dấu chân tướng rồi mới vào thành.
Ý niệm đầu tiên của chàng là muốn coi xem tình hình Vạn Khuê phải đau khổ thế nào? Chứng độc thương của hắn có trị khỏi được chưa?
Chàng cũng không hiểu hắn đã về nhà chưa hay còn ở lại Hồ Nam điều trị.
Địch Vân cất bước đến của Vạn gia, chàng ngó thấy Thẩm Thành đang lật đật từ trong cổng lớn đi ra, gã lộ vẻ rất hoang mang.
Địch Vân bụng bảo dạ:
– Thẩm Thành đã ở đây thì chắc Vạn Khuê cũng về nhà rồi, ta hãy chờ đến đêm sẽ lần lại dò thám xem sao.
Chàng nghĩ vậy rồi đi về phía vườn hoang.
Khu vườn này cách Vạn gia không xa mấy, ngày trước Đinh Điển giết Chu Kỳ, Cảnh Thiên Bá và Mã Đại Minh rồi y qua đời ở đó.
Người xưa cảnh cũ, bây giờ chàng thấy khắp nơi cỏ dại mọc đầy cùng những đống gạch ngói vỡ ngổn ngang, phong cảnh chẳng có gì khác trước.
Địch Vân chạy đến gốc mai già vuốt ve thân cây chỗ lồi chỗ lõm, miệng lẩm bẩm:
– Ngày trước Đinh đại ca từ giã cõi đời ở dưới gốc mai này cây mai vẫn còn y nguyên như cũ mà Đinh đại ca đã biến thành gói cốt hôi.
Chàng ngồi dưới gốc mai nhắm mắt dưỡng thần rồi ngủ đi.
Đến canh hai, Địch Vân tỉnh giấc, lấy lương khô trong bọc ăn lót dạ rồi rời khỏi khu vườn hoang đi thẳng tới Vạn gia.
Chàng quanh ra cổng sau vượt tường vào trong.
Chàng tới hậu viện không khỏi đau lòng, lẩm bẩm:
– Ngày trước ta bị trọng thương ẩn trong phòng chứa rơm khô, củi khô, sư muội chẳng cứu ta thoát nạn đã là độc địa, mà còn kêu trượng phu đến giết ta, mới thật tàn nhẫn!
Chàng toan cất bước tiến về phía trước, đột nhiên thấy bên hồ nước có ba chấm lửa thấp thoáng, liền dừng bước lại.
Địch Vân ẩn mình sau gốc cây nhìn về phía có ánh lửa, chàng chú ý nhận ra ba chấm lửa này là ba cây hương ở trong lò cháy đã gần tàn, lò hương đặt trên cái ghế nhỏ, trước ghế có hai người đang quì vừa lạy vừa ngẩng đầu lên nhìn trời.
Địch Vân lại thấy rõ hai người này là Thích Phương và một đứa con gái nhỏ tuổi, con nàng tên gọi Không Tâm Thái.
Chàng lắng tai nghe thấy Thích Phương miệng lâm râm cầu chúc:
– Tuần hương đầu cầu hoàng thiên phù hộ cho phu quân của tiện nữ thoát khỏi tan nạn, giải thương khử độc, không bị nọc rết làm đau khổ nữa.
Nàng lại giục con gái:
– Không Tâm Thái! Ngươi khấn đi! Cầu đức bồ tát phù hộ cho gia gia mau lành bệnh.
Con nhỏ nói:
– Phải rồi! Má má! Cầu đức bồ tát phù hộ cho gia gia hết đau, đừng kêu la nữa.
Địch Vân tuy đứng cách xa nhưng mẹ con nàng nói gì chàng đều nghe rõ hết, chàng biết Vạn Khuê sau khi trúng độc quả nhiên vẫn còn đau khổ, trong lòng cũng lấy làm mừng cho kẻ hiểm ác phải chịu quả báo, nhưng chàng phẫn nộ Thích Phương đối với trượng phu tình thâm nghĩa trọng như vậy.
Lại nghe Thích Phương khấn:
– Tuần hương thứ hai tiểu nữa cầu đức hoàng thiên phù hộ cho gia phụ bình yên, tai nạn qua khỏi, mau chóng trở về.
Đoạn nàng giục Không Tâm Thái cầu đức Bồ Tát bảo hựu ngoại công sống lâu trăm tuổi.
Con nhỏ nói:
– Ngoại công! Ngoại công mau trở về! Sao ngoại công không trở về?
Thích Phương nói:
– Ngươi cầu đức Bồ Tát phù hộ cho ngoại tổ đi!
Con nhỏ đáp:
– Đức Bồ Tát đã bảo vệ cho gia gia lại bảo vệ cho ngoại công nữa.
Trước nay nó chưa gặp Thích Trường Phát, bây giờ má má bảo nó cầu đảo, trong lòng nó liền nhớ tới tổ phụ và phụ thân.
Thích Phương dừng lại một lát rồi khấn:
– Tuần hương thứ ba cầu hoàng thiên bảo vệ cho y được bình yên, mọi sự như ý, sớm lấy được hiền thê và sinh quí tử...
Nàng khấn tới đây thanh âm không khỏi nghẹn ngào, đưa tay áo lên lau nước mắt.
Con nhỏ hỏi:
– Má má! Má má lại nhớ đến cữu cữu rồi ư?
Thích Phương giục:
– Con nói đi! Cầu đức hoàng thiên phù hộ cho Không Tâm Thái cữu cữ được bình an...
Địch Vân nghe lời cầu chúc này trong lòng rất lấy làm kỳ tự hỏi:
– Nàng cầu chúc cho ai đây?
Chàng nghe nàng nói đến năm chữ "Không Tâm Thái cữu cữu" tai chàng bất giác ù đi, miệng chàng lẩm bẩm:
– Nàng đang nói đến ta! Nàng đang nói đến ta!
Con nhỏ hỏi:
– Má má mong nhớ Không Tâm Thái cữu cữu, đức Bồ Tát bảo vệ cho cữu cữu, cung hỷ phát tài, mua cho Không Tâm Thái một con búp bê lớn, cữu cữu là Không Tâm Thái, hài nhi cũng là Không Tâm Thái. Má má ơi! Không Tâm Thái cữu cữu đi đâu sao không thấy trở về?
Thích Phương đáp:
– Không Tâm Thái cữu cữu đi xa lắm, cữu cữu bỏ má má, nhưng má má ngày nào cũng nhớ cữu cữu...
Nàng nói tới đây bồng đứa con nhỏ đứng lên áp mặt vào ngực nó rảo bước về nhà.
Địch Vân tiến đến bên lò hương nhìn ba chấm sáng lấp loáng như ngây như dại, ba nén hương cháy hết thành than, chàng vẫn đứng yên không nhúc nhích.
Trời sáng rồi, Địch Vân từ trong hậu viện ở Vạn gia đi ra, đầu óc bâng khuâng chàng đi quanh quẩn trong thành Kinh Châu.
Bỗng nghe mây tiếng loảng xoảng vang lên, một thầy lang dạo vừa đi vừa lắc nhạc bán thuốc rong trên đường phố.
Địch Vân động tâm, chàng muốn mắt nhìn Vạn Khuê xem tình trạng rên la đau khổ như thế nào, liền lấy ra mười lạng bạc để mua cái rương thuốc cùng bộ quần áo của lão.
Thầy lang rất lấy làm kỳ, nhưng những đồ của lão chẳng có gì đáng tiền nhiều lắm chỉ năm lạng là cùng, lão thấy Địch Vân trả đắt gấp đôi liền vui lòng bán cho chàng ngay.
Địch Vân trở lại khu vườn hoang thay đổi mặc y phục của thầy lang, chàng vắt nắm cỏ lấy nước bôi lên mặt, lại dán một lá cao vào phía dưới mi mắt phía bên trái cho gương mặt khác hẳn đi rồi lầm lũi quanh ra trước cửa Vạn gia.
Địch Vân vừa lắc nhạc vừa đi tới, miệng chàng rao:
– Chuyên trị bệnh chứng nguy nan, da dẻ sưng tấy bị trùng độc cắn, công hiệu tức khắc.
Chàng qua lại ba lần thì thấy một người từ trong cổng lớn lật đật đi ra vẫy tay nói:
– Này thầy lang! Lại đây! Lại đây!
Địch Vân nhận ra gã này là Ngô Khảm, năm trước gã đã hớt đứt ngón tay của chàng.
Địch Vân đã hóa trang khác hẳn ngày trước, dĩ nhiên Ngô Khảm không nhận ra được.
Chàng còn sợ gã nhận ra thanh âm nên hạ thấp giọng xuống hỏi:
– Bệnh nhân có dặn gì không? Phải chăng y mắc tạp chứng nghi nan và người sưng lên?
Ngô Khảm "Ủa" một tiếng rồi đáp:
– Thầy lang coi lại tại hạ xem có giống người trúng phải chất độc rồi sưng lên không? Này! Tại hạ hỏi thầy lang bị rết độc cắn có trị được chăng?
Địch Vân đáp:
– Những giống rắn độc như Thanh Trúc Xà, Xích Luyện XÀ, Kim Cước Đới, Thiết Sạn Đầu, tức là những thứ rắn độc nhất thiên hạ, tại hạ đều có thuốc trị, còn con rết ư? Hà hà! Cái đó phỏng có gì đáng kể?
Ngô Khảm nói:
– Thầy lang đừng nói khoác vội, giống rết này không phải rết thường, bao nhiêu danh y thành Kinh Châu đều lắc đầu mà thầy chữa được khỏi ư?
Địch Vân chau mày đáp:
– Có giống rết lợi hại như vậy sao? Những rết trong thiên hạ bất quá là Hồi Mai Yết, Kim Tiền Yết, Ma Đầu Yết, Hồng Vỹ Yết, Lạc Đại Giảo Nương Yết, Bạch Cước Yết...
Chàng kể ra hai mươi mấy thứ rết, rồi nói:
– Nọc rết độc mỗi thứ một khác vậy thuốc điều trị cũng không giống nhau, dù là danh sư mà không hiểu hết chưa chắc đã chữa được.
Ngô Khảm thấy thầy lang mặt mũi xấu xa, hủ lậu, quần áo lam lũ đã có ý coi thường, tuy chàng kể ra hàng tràng rết độc, nhưng miệng nói ấp úng không được lưu loát, rõ ràng, nên gã vẫn chưa tin là người có bản lãnh, liền nói:
– Đã vậy, thầy thử vào coi xem, không chừng ngựa chết chữa được ngựa sống, hay lợn lành chữa ra lợn què.
Địch Vân gật đầu theo gã tiến vào Vạn Phủ.
Chàng vừa bước qua cổng liền nhớ tới ngày trước đi theo sư phụ cùng sư muội đến đây bái thọ, khi đó chàng còn là một gã thiếu niên quê mùa mới lên thành thị, thấy cái gì cũng mới lạ, chàng cùng sư muội nhìn ngang nhìn ngửa, chỉ trỏ rối rít, nhưng tâm tình bữa nay không giống trước nữa.
Địch Vân theo Ngô Khảm qua hai cái sân đến trước tòa lầu ở mé đông.
Ngô Khảm ngửa mặt lên lớn tiếng gọi:
– Tam sư tẩu! Có vị lang trung chuyên trị rết độc tới đó, tam sư tẩu có để y vào coi cho sư ca không?
Cánh cửa lầu mở ra, Thích Phương thò đầu qua cửa sổ đáp:
– Hay lắm! Đa tạ Ngô sư đệ! Bữa nay lệnh sư ca đau quá! Mời tiên sinh lên lầu.
Ngô Khảm nhìn Địch Vân bảo:
– Tiên sinh lên đi!
Gã toan rút lui.
Thích Phương nói:
– Ngô sư đệ cũng lên đây giúp dùm.
Địch Vân lên lầu liền ngó thấy mốt cái bàn lớn kê cửa sổ chính giữa, trên bàn có đủ giấy bút mực và mười mấy cuốn sách, lại có cả một cái áo trẻ con đang đan dở.
Thích Phương từ trong phòng tiến ra nghênh tiếp, mặt nàng không hoa phấn, dung nhan rất tiều tụy.
Địch Vân ngó nàng một cái rồi sợ nàng nhận ra mình, không dám nhìn lâu, cất bước tiến vào.
Trên giường lớn, một người nằm quay mặt vào phía trong miệng không ngớt rên la, chính là Vạn Khuê.
Đứa con gái nhỏ ngồi trên ghế cạnh giường đang đấm chân cho gia gia, nó thấy Địch Vân mặt mũi lem luốc, hình dong cổ quái la lên một tiếng kinh hãi rồi ẩn vào sau lưng mẫu thân.
Ngô Khảm nói:
– Tại hạ thấy sư ca bị rết độc cắn thương mà độc tính thủy chung không tiêu tan hết, dường như có điểm khác lạ.
Địch Vân hỏi:
– Thế ư?
Lúc còn ở ngoài cổng chàng nói chuyện với Ngô Khảm vẫn giữ được vẻ tự nhiên, nhưng bây giờ ngó thấy Thích Phương, trái tim đập thình thịch, chàng cảm thấy mặt nóng bừng môi miệng khô ráo, nói không nên lời.
Chàng đi tới trước Trung Nguyên giường khẽ vỗ vai Vạn Khuê.
Vạn Khuê từ từ xoay mình lại dương mắt lên nhìn Địch Vân bất giác trong lòng hơi kinh ngạc.
Thích Phương nói:
– Tam ca! Tiên sinh đây là một vị lang trung do Ngô sư đệ tìm được, tiên sinh... tiên sinh có linh dược để trị thương cho tam ca.
Giọng nói của nàng thực ra không tin tưởng mấy ở thầy lang.
Địch Vân nhìn mu bàn tay Vạn Khuê sưng lên và tím đen một quầng coi rất kỹ, liền cất tiếng ấm ớ nói:
– Đây là giống rết độc sặc sỡ ở giải Nguyên Lăng miền Tương Tây cắn phải, tại Hồ Bắc chúng ta không có giống rết này.
Thích Phương và Ngô Khảm đồng thanh đáp:
– Đúng thế! Đúng thế! Y bị rết độc ở Nguyên Lăng cắn đó.
Thích Phương lại nói:
– Tiên sinh đã biết lại lịch giống rết này, chắc là chữa được.
Giọng nói của nàng lúc này chứa chan hy vọng.